Cuộc sống xa xỉ Phan_Ngọc_Nhi

Cung vàng điện ngọc

Vào năm Vĩnh Nguyên thứ 3 (501), trong cung xảy ra một trận hỏa hoạn lớn. Khi đó Tiêu Bảo Quyển và Phan Ngọc Nhi đang ra khỏi cung du hí nên không hề biết chuyện. Tuy nhiên theo mệnh lệnh của Hoàng đế, những người ở bên ngoài cung không được phép mở cửa hoàng cung vì thế không ít Cung nữ, Thái giám và những người hàng ngày phục dịch cho Tiêu Bảo Quyển và Phan Ngọc Nhi đã bị thiêu chết. Khi Tiêu Bảo Quyển và Phan Ngọc Nhi trở về, tất cả khu cung điện trở thành một bãi tha ma với hàng ngàn xác chết đen nhẻm, hơn 3000 gian cung điện cháy ra tro. Thế nhưng, cả hai còn cười lớn, coi đó như một cảnh tượng thú vị ít thấy trong đời[7].

Cung điện đã bị thiêu trong lửa, mà Hoàng đế và Quý phi thì không thể không có nơi ở được. Lúc đó, có kẻ nói rằng, theo sách vở thì sau khi cung điện thành quách bị cháy mà xây dựng lại cung điện thì ngôi đế sẽ được giữ vững vì vậy, Tiêu Bảo Quyển càng thêm quyết tâm, không ngại ngần vung phí tiền bạc lần lượt xây dựng các cung điện, lần lượt là Phương Lạc, Phương Đức, Tiên Hoa, Đại Hưng, Hàm Đức, Thanh Diệu và An Thọ. Tiêu Bảo Quyển còn quyết định nhân cơ hội này xây dựng riêng cho Phan Ngọc Nhi ba tòa cung điện, lần lượt gọi tên là Thần Tiên, Vĩnh Thọ và Ngọc Thọ. Cả ba tòa cung điện này đều được thiết kế và xây dựng một cách xa hoa và tráng lệ với những thứ đồ trang trí bằng vàng và ngọc. Trong đó, xa hoa nhất chính là tòa Ngọc Thọ điện (玉壽殿), tòa cung điện dành cho Phan Quý phi ở. Để tăng thêm sự xa hoa cho cung điện của Phan Ngọc Nhi, Tiêu Bảo Quyển không tiếc công sức sai người tìm kiếm thu thập tất cả những thứ ngọc quý giá nhất trong thiên hạ về để làm đồ trang trí, ngay cả những đồ bằng ngọc được thờ cúng trong các chùa cũng bị tay sai của Tiêu Bảo Quyển trưng thu bằng được[8].

Không dừng lại ở đó, Tiêu Bảo Quyển còn sai thợ dùng hồng ngọc khảm hình những bông hoa sen nổi bật trên nền ngọc trắng. Sau khi Ngọc Thọ điện xây dựng xong, Tiêu Bảo Quyển cho Phan Quý phi chân trần đi lại trên thềm ngọc để mình ở bên dưới ngắm nhìn. Đôi chân nhỏ nhắn của Phan Ngọc Nhi thướt tha trên nền lát ngọc hình những bông sen, giống như nàng đi đến đâu thì sen nở ra đến đấy. Tiêu Bảo Quyển thì chỉ biết ngồi dưới trầm trồ: [Tiên tử hạ phàm, Bộ bộ sinh liên; 仙子下凡,步步生莲][9]. Khi xưa, Nam Tề Vũ Đế Tiêu Trách xây dựng tòa lầu Hưng Quang đã dùng nước sơn màu xanh quét lên nóc nên tòa lầu này bị gọi là [Thanh lâu; 青樓]. Tiêu Bảo Quyển nói với những kẻ hầu cận của mình rằng: Tề Vũ Đế thật là ngốc nghếch, vì sao không dùng ngọc lưu ly để lợp mái lầu?”[10].

Mở chợ trong hoàng cung

Để chiều lòng người đẹp, Tiêu Bảo Quyển đã sai người xây dựng hẳn một khu chợ sầm uất trong Phương Lạc uyển (芳乐苑), một khu vườn bên sườn của Duyệt Võ đường (閱武堂). Nơi này đầy những thứ đá năm màu quý hiếm, do Tiêu Bảo Quyển đem về.

Khi đó, trời đang vào giữa mùa hạ lại vào đúng giữa tháng sáu, nóng như thiêu đốt nhưng để làm đẹp lòng Phan Ngọc Nhi, Tiêu Bảo Quyển hạ lệnh buộc mọi người phải trồng hoa, cây cảnh. Chính vì thế, cây vừa trồng buổi sáng còn tươi mơn mởn thì đến chiều đã héo rũ cả. Cây chết tới đâu, Tiêu Bảo Quyển ra lệnh ngay sáng hôm sau phải trồng những cây hoa mới để quý phi tới thưởng ngoạn. Vì vậy, tại khu Phương Lạc uyển, người đưa cây sống vào trồng lẫn người đưa cây chết ra ngoài tấp nập như trẩy hội nhưng cuối cùng vẫn chẳng có cây nào sống được. Để đảm bảo hoa lúc nào cũng đương nở trong vườn Phương Lạc, hàng ngàn người dân đã được huy động, người trồng hoa, người tưới nước giữa cái nắng mùa hè khô hạn. Sau cùng, khi không còn cách nào khác, Tiêu Bảo Quyển quyết định sai người tìm khắp trong và ngoài thành, thấy cây cổ thụ nào là bứng sạch rồi tổ chức người chuyển vào Phương Lạc Uyển để trồng. Tuy nhiên, những cây đại thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi phải mất công sức của hàng trăm người mới đưa được vào cung chẳng bao lâu cũng rụng sạch lá mà chết. Vì vậy, thay vì trồng cây và nuôi lớn, Phương Lạc Uyển chỉ được phủ xanh mỗi khi Hoàng đế và Quý phi có nhã hứng dạo bước tới khu vườn thượng uyển. Tuy nhiên, cây xanh chưa phải là tất cả sử dụng công của Tiêu Bảo Quyển, toàn bộ khu vườn đều được trải một lớp cỏ non để tạo màu xanh tươi mát mà đi lại êm chân. Tuy nhiên, do cỏ không được trồng nên chỉ cần có ánh sáng mặt trời ngay lập tức bị héo và chết. Mỗi lần như vậy, các quan lại nhận được lệnh của Tiêu Bảo Quyển cho thay mới toàn bộ cỏ trong vườn. Để phục vụ chuyện hưởng lạc dâm dật của mình, Tiêu Bảo Quyển theo ý Phan Ngọc Nhi còn cho xây dựng rất nhiều tượng nam nữ hành lạc trong vườn[11].

Phan Ngọc Nhi xuất thân bình dân, nên thường quen cảnh chợ xôm tụ, và Tiêu Bảo Quyển quyết tâm tái hiện lại khung cảnh này cho người đẹp vui lòng. Để khung cảnh khu chợ thêm phần chân thực và sầm uất, Tiêu Bảo Quyển còn bắt hàng ngàn cung nữ trong hoàng cung đóng giả làm dân thường đi chợ. Chưa hết, Tiêu Bảo Quyển còn để Phan quý phi làm chức [Thị lệnh; 市令], xử lý những vụ tranh chấp xảy ra trong chợ, còn bản thân mình thì làm chức [Thị khôi; 市魁], phu lại giúp việc. Câu chuyện Hoàng đế mở chợ ngay trong chốn hoàng cung rồi cũng mau chóng truyền ra ngoài, bách tính trăm họ ai ai cũng biết. Vì vậy thời bấy giờ người ta còn truyền nhau một câu vè rằng: "Xem Vũ Đường, trồng dương liễu. Hoàng đế mổ thịt, Phan phi rót rượu"[12].